Nghiên cứu - trao đổi
Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế
03:52 PM 27/11/2023
(LĐXH)- Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất là hoạt động quản lý lao động tại một địa bàn xác định có đặc thù riêng về kinh tế, xã hội vì vậy đòi hỏi phải có những yêu cầu riêng về cơ quan quản lý và nội dung quản lý.
Quản lý nhà nước về lao động là một trong những nội dung quan trọng của quản lý nhà nước và cũng là hoạt động phối hợp của nhiều cơ quan nhà nước. Khu công nghiệp, khu kinh tế là các khu vực đầu tư phát triển kinh tế đặc biệt với nhiều loại quan hệ lao động bao gồm cả quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài nên việc quản lý nhà nước về lao động còn có sự tham gia của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế theo phân công, ủy quyền của cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Bài viết làm rõ những đặc điểm, nội dung quản nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh kinh tế dưới góc độ pháp lý và từ đó đề xuất những kiến nghị hoàn thiện pháp luật.  
Đặt vấn đề
Quản lý nhà nước về lao động có thể hiểu là việc nhà nước thông qua các cơ quan hành chính tiến hành tổ chức và điều chỉnh các chủ thể trong quan hệ lao động theo các yêu cầu nhất định để đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội mà nhà nước đã đề ra. Các cơ quan chuyên môn về lao động và các cơ quan khác có thẩm quyền, căn cứ vào nội dung quản lý, sử dụng các biện pháp quản lý tác động vào quan hệ lao động, bảo đảm và thúc đẩy quan hệ lao động, thị trường lao động phát triển theo định hướng, mục tiêu đặt ra. Hiện nay chức năng quản lý nhà nước về lao động do Chính phủ, Bộ Lao động thương binh xã hội và các cơ quan quản lý khác thực hiện theo quy định của pháp luật.
Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất là hoạt động quản lý lao động tại một địa bàn xác định có đặc thù riêng về kinh tế, xã hội vì vậy đòi hỏi phải có những yêu cầu riêng về cơ quan quản lý và nội dung quản lý. Theo trang thông tin kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam, đến nay, Việt Nam đã có 61 trên 63 tỉnh, thành phố có hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập[1]. Các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế hoạt động theo quy định tại Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Quy hoạch 2017, Luật đất đai 2013 và pháp luật chuyên ngành về xây dựng, thương mại, thuế v.v…Các khu vực này thu hút rất nhiều lao động Việt Nam và cả người lao động nước ngoài đến làm việc. Việc quản lý lao động tuân thủ quy định của Bộ luật lao động 2019, các văn bản liên quan ngoài ra còn được sự điều chỉnh của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế được giao nhiệm vụ trực tiếp và được ủy quyền cụ thể trên từng loại hình, công việc trong đó có quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định.
Người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Bá Thiện I, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
  1. 1. Khái niệm, đặc điểm về quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế.
Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế là việc Nhà nước thông qua các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành tổ chức và điều chỉnh các chủ thể trong quan hệ lao động theo các yêu cầu nhất định để đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội – quốc phòng an ninh mà nhà nước đã đặt ra đối với khu công nghiệp, khu kinh tế.
Khu công nghiệp là “Khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp” (Khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 hoặc Khoản 1 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP). Khu công nghiệp gồm có “Khu công nghiệp, Khu chế xuất; Khu công nghiệp hỗ trợ; Khu công nghiệp chuyên ngành; Khu công nghiệp sinh thái; Khu công nghiệp công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp)” (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)[2]
Khu kinh tế là “Khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh” (Khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 hoặc Khoản 13 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP). Khu kinh tế gồm có “Khu kinh tế ven biển; Khu kinh tế cửa khẩu và Khu kinh tế chuyên biệt (sau đây gọi chung là Khu kinh tế)” (Khoản 1 Điều 14 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)[3]
Đặc điểm quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế:
Thứ nhất, đây là hoạt động quản lý nhà nước về lao động tại các khu vực đặc biệt về địa kinh tế. Khu công nghiệp, khu kinh tế có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư và bảo vệ quốc phòng an ninh. Ranh giới này được xác định bởi hàng rào phân biệt với khu vực dân cư khác, ngoài ra còn được xác định bởi hàng rào thuế quan. Khu công nghiệp, khu kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật trên cơ sở quy hoạch và được phê duyệt, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện theo quy chế pháp lý riêng. Khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng các ưu đãi đầu tư nhằm phát thu hút vốn, kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy quá trình hình thành phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, phát triển công nghiệp, đổi mới cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tốc độ phát triển trong một lĩnh vực kinh tế hoặc một khu vực địa lý cụ thể[4]. Khu kinh tế có thể phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải có mục tiêu trọng tâm. Ngoài điểm khác biệt so với khu vực hành chính khác thì mỗi khu công nghiệp, khu kinh tế có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên lại có những đặc trưng riêng.
Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về lao động đối với khu công nghiệp, khu kinh tế là Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương theo quy định pháp luật. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý về ngành, lĩnh vực có liên quan; có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; làm nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi được phân cấp, ủy quyền; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định (Điều 67 Nghị định 35/2022/NĐ-CP). Bộ Lao động, thương binh và xã hội có quyền và trách nhiệm phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện những nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động theo quy định pháp luật.  
Hai là: Đối tượng quản lý lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế là các quan hệ lao động và các chủ thể của quan hệ lao động tuy nhiên có hạn chế đối với một số loại quan hệ lao động do đặc điểm của khu công nghiệp, khu kinh tế (VD: quan hệ về giải quyết tranh chấp lao động; quan hệ về học nghề v.v..). Khái niệm quan hệ lao động được giải thích là một nhóm các quan hệ xã hội theo quy định tại khoản 5 điều 3 Bộ luật lao động 2019 trong đó trung tâm là quan hệ hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất tại khu công nghiệp, khu kinh tế bao gồm cả doanh nghiệp đặc biệt như doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp sinh thái[5]. Người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế bao gồm cả người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài làm việc tại đây với nhiều hình thức khác nhau (lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động; lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp: chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật v.v…)
Ba là: Nội dung quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế được thực hiện theo quy định chung của pháp luật lao động và còn được quy định riêng theo điều kiện, đặc điểm của khu công nghiệp, khu kinh tế.  Các khu công nghiệp, khu kinh tế với các yêu cầu công nghệ cao trong hoạt động, sản xuất luôn có nhu cầu sử dụng các chuyên gia nước ngoài và đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất vì vậy phải quản lý các chuyên gia nước ngoài vào làm việc và quản lý việc đưa người lao động Việt Nam đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài. Khu công nghiệp cũng không có nơi thường trú nên người lao động làm việc cũng phải tuân thủ các quy định về tạm trú, lưu trú; hay tại các doanh nghiệp chế xuất thì chỉ nhà đầu tư, người lao động làm việc trong doanh nghiệp chế xuất và những người có quan hệ công tác với doanh nghiệp chế xuất được ra, vào doanh nghiệp chế xuất v.v…
  1. 2. Quy định quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế
 Quy định quản lý nhà nước về lao động gồm thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động và nội dung quản lý nhà nước về lao động. Theo điều 212, 213 Bộ luật lao động 2019 thì thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động được trao cho Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước khác. Bộ Lao động thương binh và xã hội là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động với các nhiệm vụ cụ thể quy định tại Nghị định số 62/2022/NĐ-CP quy định chức năngnhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất được hướng dẫn trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất
 Theo điều 60 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội thực hiện quyền hạn, trách nhiệm:
(1) Hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động quy định tại điểm c khoản 3 Điều 68 của Nghị định 35/2022/NĐ-CP và quy định khác của pháp luật có liên quan:
- Nhận báo cáo về việc cho thôi việc nhiều người lao động
- Tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được;
(2) Hướng dẫn Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 của Nghị định 35/2022/NĐ-CP:
- Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
- Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, bao gồm: Tổ chức thực hiện đăng ký nội quy lao động; Báo cáo tình hình sử dụng lao động;  Tiếp nhận báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài; Báo cáo tình hình thay đổi lao động qua Cổng dịch vụ công quốc gia; Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập của doanh nghiệp, hoạt động đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;  Nhận báo cáo về việc cho thuê lại lao động, kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề hằng năm; Thông báo tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
Tuy nhiên do việc “đăng ký nội quy lao động” và việc “nhận báo cáo về việc cho thuê lại lao động” giao cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện là trái với quy định tại khoản 1 Điều 119 và khoản 5 và Điều 56 Bộ luật Lao động 2019; việc “tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập của doanh nghiệp, hoạt động đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế” giao cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện trái với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 nên Chính phủ đã bãi bỏ các quyền này theo Điều 2 Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân, nước ngoài.
Một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế do Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế trực tiếp thực hiện:
(1) Tham gia ý kiến, xây dựng và trình các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về lao động (Điểm a Khoản 1 Điều 68 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)
(2) Tham gia ý kiến, xây dựng và trình Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện: Tổng hợp, đánh giá nhu cầu sử dụng lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế (Điểm đ khoản 1 Điều 68 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)
(3) Thực hiện các nhiệm vụ: kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (Điểm h Khoản 2 Điều 68 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)
(4) Báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình: thực hiện các quy định của pháp luật về lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế (Điểm n Khoản 2 Điều 68 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)
Ngoài ra Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan khác như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng thực hiện các quyền hạn, trách nhiệm liên quan đến quản lý nhà nước về lao động (Ví dụ: Khoản 4, 10, 11 Điều 66; Khoản 1 Điều 61, Khoản 2,3 Điều 62 Nghị định 35/2022/NĐ-CP v.v..). Đặc biệt từ 15/7/2022 (ngày Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực) thì chuyên gia, người lao động được phép tạm trú, lưu trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: a) Đối với chuyên gia, người lao động là người Việt Nam thì thực hiện tạm trú, lưu trú theo quy định của pháp luật về cư trú; b) Đối với chuyên gia, người lao động là người nước ngoài thì thực hiện tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp bất khả kháng do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh, biểu tình, bạo loạn hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, đối với chuyên gia, người lao động là người Việt Nam được phép lưu trú ở doanh nghiệp tại khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về cư trú; Đối với chuyên gia, người lao động là người nước ngoài được phép ở lại doanh nghiệp tại khu công nghiệp trong thời gian ít hơn 30 ngày và phải thực hiện việc khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Điều 25 Nghị định 35/2022/NĐ-CP)
  1. 3.   Kiến nghị hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước về lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Việc hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế phải trên cơ sở hoàn thiện các quy định chung về quản lý lao động và quy định quản lý tại khu công nghiệp, khu kinh tế. Các vấn đề quản lý lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay còn chưa hoàn thiện hoặc bất cập khi thực hiện đó là:
- Chưa có quy định cụ thể về việc thành lập, hoạt động cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế (Khoản 2 Điều 174 Bộ luật lao động 2019). Khu công nghiệp, khu kinh tế là khu vực nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động và có nhiều người lao động nước ngoài làm việc nên có yêu cầu cấp thiết về vấn đề này. Tuy nhiên hiện nay sau hơn hai năm Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành thì dự thảo Nghị định hướng dẫn về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vẫn còn đang trong giai đoạn lấy ý kiến xây dựng.
- Nghị định 35/2022/NĐ-CP chưa có quy định về nội dung quản lý liên quan đến thỏa ước lao động tập thể (Điều 77 Bộ luật lao động 2019 thì thỏa ước lao động tập thể do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận; Điều 84 Bộ luật lao động 2019 quy định về việc mở rộng phạm vi áp dụng trong khu công nghiệp, khu kinh tế v.v..). Các quy định về tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động, vai trò của hòa giải viên lao động cơ sở, trọng tài lao động có thể triển khai được hay không cũng chưa có quy định. Một số chuyên gia cho rằng có thể giao những nội dung này cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục và báo cáo với một cơ quan là Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
- Cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, đây vừa là yêu cầu hoàn thiện pháp luật đồng thời cũng là yêu cầu cho việc áp dụng và thực hiện pháp luật. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP chỉ quy định thẩm quyền của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các nhiệm vụ của Sở Lao động Thương binh và xã hội nhưng Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện nhiệm vụ (tiếp nhận hồ sơ, thực hiện, giải quyết theo quy trình, thủ tục) như thế nào thì Nghị định không đề cập đến. Như vậy bất cập ở đây chính là việc Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã quy định thẩm quyền quản lý lao động nhưng chưa có văn bản hướng dẫn về cách thức thực hiện.


Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật lao động 2019.
  2. Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020
  3. Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
  4. Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
  5. Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.


[1] https://bnews.vn/tan-dung-co-hoi-hut-lan-song-dau-tu-moi/258605.html

[2] Giải thích về các mô hình khu công nghiệp tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP

[3] Giải thích về các mô hình khu kinh tế tại Khoản 14, 15, 16 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP

[4] Chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế quy định tại Chương 3 Nghị định 35/2022/NĐ-CP

[5] Khái niệm “Doanh nghiệp sinh thái” và “Doanh nghiệp chế xuất” quy định tại Khoản 8 và 11 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.


TS. Nguyễn Thu Ba

 Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế quốc dân