Nghiên cứu - trao đổi
Hội thảo "Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam"
08:50 PM 16/11/2023
(LĐXH) - Chiều ngày 16/11/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam”.
Tham dự hội thảo, về phía Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng có TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng. Đồng tham dự hội thảo gồm có các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, những người quan tâm đến lĩnh vực phát triển bền vững, chỉ số phát triển bền vững.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo “Kinh nghiệm của các nước về phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền và bài học cho Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở vùng biên giới đất liền” do TS. Đỗ Tá Khánh làm chủ nhiệm, thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay.”
Vùng biên giới luôn đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của các quốc gia trên thế giới. Sự ổn định của vùng biên giới đóng vai trò hết sức tích cực vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội và đặc biệt là an ninh và hòa bình của các quốc gia, khu vực và thế giới.
TS. Lê Văn Hùng, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Văn Hùng, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, vùng biên giới đất liền đã được duy trì hòa bình và phát triển với ba nước láng giềng, gồm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở phía Bắc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở phía Tây và Vương quốc Campuchia ở phía Tây Nam. Với đường biên giới đất liền rất dài, địa hình khá hiểm trở với ba nước bạn, đặc biệt là với Trung Quốc và Lào, trong những năm gần đây, đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước bạn đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Hầu hết đường biên giới trên đất liền của Việt Nam được phân định rõ ràng, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy biên mậu, ổn định trật tự xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, tại các vùng biên giới còn nhiều dư địa để phát triển cũng như nhiều thách thức còn tồn tại cần được giải quyết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Tá Khánh Phó Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng 
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng: “Kinh tế vùng biên giới đã có những thay đổi nhiều mặt so với trước đây, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông và các cửa khẩu phục vụ cho giao thương, thương mại xuyên biên giới đang ngày càng trở nên sôi động. Các quốc gia tham gia ngày càng nhiều vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tại Đông Nam Á, ASEAN đã và đang thực hiện xây dựng một Cộng đồng ASEAN với sự dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và nhiều trở ngại trong việc lưu chuyển qua biên giới giữa các quốc gia thành viên. Các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong gồm Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đã xây dựng Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, trong đó các vùng biên giới được đầu tư xây dựng thành các khu vực kinh tế cửa khẩu”.
Tại buổi Hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế có thể áp dụng tại Việt Nam
Đồng thời, với việc tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư cùng hợp tác kinh doanh theo các hình thức đối tác công tư là tiền đề hết sức quan trọng, góp phần phát triển và tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống đáng kể và người dân vùng biên đã thực hiện định cư lâu dài, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các vùng biên giới vẫn là những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nhất cả nước, đặc biệt cư dân ở những vùng này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Do đó, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với các vùng khác trong cả nước, nhất là vùng đồng bằng vẫn đang là vấn đề trọng tâm cần quan tâm của các địa phương vùng biên giới.
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Nhìn chung, hội thảo à diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn của các nước trong phát triển kinh tế, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu khoa học dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp, trong đó nhấn mạnh đưa ra các đề xuất nhằm phát triển kinh tế vùng biên giới đất liền. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và những  kiến nghị phù hợp với điều kiện phát triển vùng biên giới tại Việt Nam để gửi các cơ quan có thẩm quyền./.
Nguyễn Hoàng