Xã hội
Hoà Bình: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội
02:55 PM 21/03/2024
(LĐXH) - UBND tỉnh Hoà Bình vừa ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về Công tác cai nghiện ma túy; phòng, chống tệ nạn mại dâm; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Kế hoạch được triển khai nhằm mục đích huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện ma túy, tạo nên phong trào sâu rộng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại các Cơ sở cai nghiện ma túy. Tăng cường quản lý địa bàn, không để tệ nạn ma túy, mại dâm gây bức xúc trong xã hội. Phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại các địa phương tuyên truyền về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm và các biện pháp phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng và chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người; làm tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Một buổi tuyên truyền xóa bỏ lạc hậu, phòng, chống tệ nạn xã hội ở huyện Mai Châu,
tỉnh Hoà Bình
Theo đó, UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy và các điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Xác định công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền; tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu 03 giảm: Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.
Kế hoạch tập trung thực hiện 03 nhiệm vụ chính về: Cai nghiện ma túy; phòng, chống tệ nạn mại dâm; Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó sẽ tập trung triển khai 06 nhóm giải pháp gồm:
Chủ động nghiên cứu cơ chế, chính sách của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của địa phương để trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách cho công tác phòng chống tệ nạn xã hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai, thực hiện công tác cai nghiện ma túy; phòng chống tệ nạn mại dâm; hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên hiểu biết tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm nhất là một số loại ma túy mới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quản lý người nghiện ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú và thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh giao trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy.
Tổ chức thực hiện hiệu quả biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy có đủ điều kiện áp dụng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
Thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, khuyến khích người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy, tự nguyện đăng ký các hình thức cai nghiện ma túy phù hợp. Huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy với các chương trình giảm nghèo, dạy nghề tạo việc làm...
Tăng cường, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác kiểm tra của Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp. Thường xuyên kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các địa bàn dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Thực hiện công tác hậu kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định, khắc phục thiếu sót tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã kiểm tra hoặc đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, văn bản của nhà nước về phòng chống và kiểm soát ma túy, phòng chống tệ nạn mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai,... với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ... tại địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, đến các tâng lớp nhân dân những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, người lao động trong các doanh nghiệp. Phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong công tác vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện, giúp đỡ quản lý người sau cai nghiện ma túy, giảm tỷ lệ tái nghiện.
Thục Quyên