Xã hội
Điện Biên: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo
04:13 PM 15/04/2024
(LĐXH) - Để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, tỉnh Điện Biên đang tập trung thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả phù hợp với thế mạnh, điều kiện của địa phương.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo, nhiều hộ dân được đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất
Trong năm 2023, tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó có các nội dung liên quan đến Tiểu dự án 1- Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Dự án 3) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình tiến độ thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Căn cứ nguồn vốn sự nghiệp được Trung ương phân bổ năm 2023 và nguồn vốn đối ứng bố trí của tỉnh để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, UBND tỉnh Điện Biên đã thực hiện các thủ tục để giao vốn cho các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó,  tổng vốn giao thực hiện Tiểu dự án trong năm 2023 là 45.807 triệu đồng (trong đó chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là 12.050 triệu đồng; giao năm 2023 là 33.757 triệu đồng). Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương là 45.394 triệu đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương là 413 triệu đồng. Ước kết quả thực hiện giải ngân năm 2023 tại các địa phương, đơn vị được giao vốn khoảng 14.587 triệu đồng, đạt 31,8% kế hoạch vốn giao.
Trong năm 2023, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt 86 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (trong đó có 25 dự án lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp; 51 dự án lĩnh vực chăn nuôi thủy sản và 10 dự án lĩnh vực khác). Các địa phương đã tổ chức được tập huấn, tư vấn về hỗ trợ phát triển sản xuất, quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả cho 669 học viên, đối tượng thuộc Chương trình.
Nhìn chung, việc triển khai chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội cơ bản hoàn thành. Công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống của hộ nghèo được chăm lo, cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 4,32%, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trung bình chung của cả nước. Một số nội dung hướng dẫn về cơ chế, đối tượng, nội dung hỗ trợ của Chương trình còn chung chung, khó áp dụng dẫn đến một số địa phương khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững để thực hiện. Nguyên nhân là do Điện Biên là tỉnh miền núi, xa các trung tâm kinh tế lớn; kinh tế của tỉnh có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội chưa đồng bộ, các dịch vụ, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, thiên tai, lũ lụt, gió lốc thường xuyên diễn biến phức tạp; nhiều địa bàn thôn, bản đặc biệt khó khăn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định như di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật và các vấn đế xã hội bức xúc như thất nghiệp, tệ nạn, tội phạm ma túy.
Thêm nữa, đối tượng thụ hưởng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số với mức tiếp cận thông tin còn hạn chế, dẫn đến công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các cơ chế, chính sách gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Các cơ sở cung cấp con giống, vật nuôi trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018, do đó khó khăn trong việc cung ứng giống vật nuôi cho hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình.
Mặt khác, số lượng văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương rất nhiều; một số nội dung quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, chưa thống nhất, thường xuyên có sự thay đổi, bổ sung dẫn đến việc áp dụng triển khai Chương trình tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Việc Trung ương giao kinh phí chi tiết đến các tiểu dự án, dự án gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện do nhiều nội dung chưa phù hợp với mục tiêu, nhu cầu của địa phương.
Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Điện Biên đặt ra mục tiêu phấn đấu giải ngân hiệu quả toàn bộ nguồn vốn sự nghiệp năm 2024 khoảng 65.842 triệu đồng (bao gồm vốn chuyển nguồn từ các năm 2022, 2023 là 31.220 triệu đồng; vốn giao bổ sung năm 2024 là 34.622 triệu đồng). Trong đó chú trọng thực hiện các hoạt động như: hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất gắn với quy hoạch sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất, góp phần hỗ trợ các hộ gia đình thoát nghèo bền vững./.
Hồng Phượng